Thay vì dùng chủ yếu để phạt nguội như
hiện nay, liệu dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình có thể sử dụng để nhắc
nhở khi tài xế vi phạm luật giao thông, hạn chế tai nạn?
Đây là điều mà rất nhiều người đặt ra
quanh câu chuyện về vụ tai nạn xe du lịch tại Quảng Nam vừa qua khiến 13 người
tử vong. Làm sao để nâng cao ý thức của tài xế? Làm sao để hạn chế tình trạng
tài xế chạy quá sức, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng của chính
bản thân và người xung quanh?
Xe chạy đêm thường có tốc độ cao, chạy liên tục nhiều giờ (Ảnh minh họa) |
Giám sát hành
trình chưa phát huy tác dụng tối đa?
Theo quy định tại Nghị định
86/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì xe ô tô chở khách theo hợp đồng là một trong
các đối tượng bắt buộc phải lắp thiết bị hành trình. Ngoài ra, các dòng xe kinh
doanh vận tải hàng hóa, xe taxi, xe rơ mooc, xe chạy du lịch, hợp đồng,… đều nằm
trong diện phải lắp thiết bị này. Hiện nay, các xe này phải truyền dữ liệu về bộ
phận lưu trữ thông tin thuộc TCĐB VN. Các dữ liệu này sau đó sẽ được các Sở
GTVT sử dụng làm cơ sở xử liệu các phương tiện vi phạm những lỗi cơ bản như tốc
độ, hành trình lái xe,… Hàng tháng, các Sở GTVT đều thống kê vi phạm, nhắc nhở,
xử lý, phạt hành chính, thậm chí tước phù hiệu đối với các phương tiện thiếu dữ
liệu gps hoặc qua dữ liệu đó phát hiện các vi phạm giao thông. Trong trường hợp
khác, nếu xe gặp nạn, dữ liệu hộp đen cũng được sử dụng để cơ quan công an tìm
hiểu nguyên nhân vụ việc. Như vậy, mọi việc mới chỉ nằm ở phần “nguội”, xử lý
sau khi mọi việc đã xảy ra.
Về vấn đề này ông Nguyễn Lâm Hải, Trưởng
phòng Quản lý vận tải đường bộ, thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: “Đối với vấn đề
quản lý hộp đen, phòng chỉ thường xuyên kiểm tra xem các hãng xe có bật hay
không. Phát hiện đơn vị nào tự ý tắt hộp đen, chúng tôi sẽ gửi văn bản nhắc nhở.
Do số lượng xe quá nhiều nên Sở không thể kiểm tra hộp đen hằng ngày được, khi
có vấn đề gì xảy ra thì mới tiến hành kiểm tra”.
Trên thực tế, thiết bị công nghệ này, ở
tất cả các sản phẩm hợp chuẩn đều có tính năng cảnh báo khi tài xế lái xe liên
tục quá 4 tiếng hoặc lái quá 10 giờ trong ngày. Nhưng hầu như dữ liệu này chỉ
được sử dụng trong việc thống kê hoặc sau khi đã xảy ra tai nạn. Hiện nay, các
cơ quan chức năng chưa đủ lực lượng để nhắc nhở từng xe vi phạm khi theo dõi trực
tiếp dữ liệu từ TCĐBVN. Về phía doanh nghiệp, ít đơn vị có bộ phận riêng biệt để
quản lý dữ liệu, nhắc nhở ngay khi tài xế lái xe quá tốc độ hoặc quá thời gian
cho phép. Điều đó lý giải vì sao dù nhiều xe có lắp định vị, có tính năng cảnh
báo tốc độ, nhưng mãi đến khi hậu quả đau lòng xảy ra chủ doanh nghiệp mới giật
mình.
Nhìn lại vụ tai nạn ở Quảng Nam, thiếu thiết bị giám sát
hành trình, phù hiệu
Dù là xe chở khách chạy hợp đồng nhưng xe
ô tô 16 chỗ mang BKS: 75B-000.52 gây tai nạn nghiêm trọng vào ngày 29/7 tại Quảng
Nam, khiến 13 người tử vong lại không gắn thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn
và không đăng ký kinh doanh vận tải. Theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam,
xe khách 75B-000.52, nhãn hiệu MERCEDES MB140 sản xuất năm 2004 tại Việt Nam.
Xe kiểm định lần cuối ngày 2/4/2018 và có hạn kiểm định đến 1/10/2018 tại Trung
tâm Đăng kiểm xe cơ giới 7401S Quảng Trị. Tại thời điểm đăng kiểm gần nhất, chủ
xe này không khai báo mục Kinh doanh vận tải. Từ đầu năm 2018 đến nay, hệ thống
máy chủ gps của TCĐB VN không ghi nhận dữ liệu của phương tiện trên.
Thiết bị giám sát hành trình nếu được sử dụng hiệu quả sẽ góp phần giảm bớt nhiều vụ tai nạn thương tâm (Ảnh minh họa) |
Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên
nhân vụ tai nạn có thể do tài xế lái liên tục suốt 12 tiếng nên kiệt sức, loạng
choạng tay lái và đâm vào xe container ở phía đối diện, gây hậu quả thương tâm.
Để những vụ tai nạn thương tâm trên không còn, hơn ai hết, chính tài xế phải là
người nâng cao ý thức, chấp hành đúng luật giao thông. Nếu trên xe có lắp định vị,
ngay khi tài xế lái quá thời gian cho phép, thiết bị sẽ phát âm thanh cảnh báo.
Trong trường hợp này, thay vì mặc kệ, tài xế nên chú ý đánh xe vào vị trí phù hợp
và tạm thời nghỉ ngơi trong thời gian ngắn trước khi tiếp tục hành trình. Điều
này rất ý nghĩa với các tài xế chạy xe đêm do chủ quan đường vắng, không có lực
lượng chức năng tuần tra xử phạt nên thường chạy liên tục nhiều giờ với tốc độ
cao.
Ngoài ý thức của tài xế, chính doanh
nghiệp cũng phải tăng cường công tác quản lý đối với lái xe. Các đơn vị nên có
lực lượng chuyên biệt liên tục theo dõi dữ liệu giám sát hành trình và có động
thái nhắc nhở ngay khi tài xế vi phạm lỗi. Các trường hợp như xe vi phạm tốc độ,
lái xe quá thời gian quy định và các trường hợp ngắt thiết bị cần được cảnh
báo, xử phạt ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Về mặt quản lý nhà nước, thiết nghĩ,
các địa phương cần tăng cường giám sát dữ liệu gps chặt chẽ
hơn. Ngoài Sở GTVT, các cán bộ thanh tra chuyên ngành cũng có thể sử dụng dữ liệu
này để thực hiện việc kiểm tra các phương tiện vận tải. Trường hợp phương tiện
vi phạm, cần có chế tài xử phạt thật mạnh tay để mang tính răn đe. Ngoài phạt
hành chính, việc tước phù hiệu xe vi phạm cũng cần được áp dụng triệt để nhằm
chấn chỉnh ý thức của cả tài xế và doanh nghiệp. Có như vậy, thiết bị giám sát hành trình mới phát huy hiệu quả tối ưu trong việc hạn chế tai nạn giao thông, xây dựng xã hội hiện đại và bình yên.
HA
Xem thêm bài viết:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét