Xe tải dưới 1 tấn lắp giám sát hành trình khi nào?

Written By Giám sát hành trình on Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018 | 21:17


Câu chuyện lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe tải nhỏ, từ dưới 1 tấn đến 2 hay 3 tấn vẫn chưa lắng xuống ở các diễn đàn kinh doanh vận tải trong thời gian gần đây.

Lượn một vòng quanh một vài forum khá nổi tiếng về giao thông vận tải, người viết dễ dàng nhận thấy rất nhiều thắc mắc của cánh tài xế về việc gắn gps cho xe. Liệu xe tải thì mặc định là phải lắp gps? Xe kinh doanh vận tải trực tiếp và không trực tiếp là như thế nào?

Dữ liệu giám sát hành trình sẽ được sử dụng trong quản lý nhà nước. (Ảnh minh họa)



Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin tổng hợp lại các quy định liên quan đến vấn đề này theo 2 hướng: Những xe nào cần lắp gps, và cụ thể, xe tải 1 tấn có cần lắp hay không?

Danh sách xe vận tải cần lắp giám sát hành trình?


Như quý bạn đọc đã biết, theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, có nêu rõ về thiết bị giám sát hành trình như sau: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

Trong đó, lộ trình lắp đặt đối với những xe chưa lắp gps trước khi Nghị định 86 có hiệu lực được quy định:

- Trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
- Trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
- Trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn;
- Trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
- Trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.

Các thiết bị này cần phải đảm bảo lưu giữ và truyền dẫn các thông tin theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Thông tin từ thiết bị sẽ được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra khi có yêu cầu.

Làm rõ khái niệm kinh doanh vận tải

Như đã nêu ở trên thì tất cả các xe kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn Bộ GTVT? Vậy, chúng ta cần làm rõ các khái niệm liên quan để bạn đọc xác định đúng phương tiện của mình có nằm trong nhóm xe này hay không.

Tại điều 3, chương I, Nghị định 86, các khái niệm trên được giải thích như sau:

- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
- Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.
- Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Nhìn vào khái niệm trên có thể thấy hầu hết các xe vận tải chở hàng hiện nay đều là xe kinh doanh vận tải, thuộc một trong hai nhóm là thu tiền trực tiếp và không thu tiền trực tiếp. Trong đó, xe kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp nằm trong nhóm bắt buộc lắp gps, có phù hiệu và giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Còn xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp cần thực hiện đầy đủ các thủ tục trên khi đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014/TT-Bộ GTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ:

Thiết bị giám sát hành trình cho xe tải cần được cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. (Ảnh minh họa)



+ Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định của Chính phủ về danh mục hàng nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm và thẩm quyền cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
+ Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ.
+ Có từ 05 xe trở lên.
+ Sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, bạn đọc cần hiểu rõ tất cả xe kinh doanh vận tải hàng hóa đáp ứng các tiêu chí trên đều bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình, kể xe xe tải dưới 1 tấn. Nếu không thực hiện việc lắp đặt đúng quy định, mức xử phạt có thể từ 2 đến 8 triệu đồng, đồng thời tước phù hiệu, giấy phép lái xe.

Yêu cầu cơ bản đối với thiết bị giám sát hành trình


Để đảm bảo hoạt động đúng quy định pháp luật, các loại xe tải dưới 1 tấn nằm trong diện bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình cần lựa chọn các sản phẩm đáp ứng chuẩn theo quy định tại Điều 6, Thông tư 63/2014/TT-Bộ GTVT ngày 7/11/2014.

Cụ thể, thiết bị này phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải chủ quản hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải ủy thác cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý) các thông tin bắt buộc gồm: hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

Cơ quan chức năng cũng nghiêm cấm tuyệt đối các tổ chức, cá nhân sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi để can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị hoặc để phá sóng, làm nhiễu tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), mạng định vị toàn cầu (GSM).

Đồng thời, nhằm đảm bảo cho dữ liệu gps được liên tục, chuẩn xác nhất, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải có trách nhiệm lắp thiết bị định vị theo đúng quy định; duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông. Khi cơ quan chức năng yêu cầu, đơn vị cần cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập. Các dữ liệu gps này cần được cập nhật, lưu trữ có hệ thống với thời gian tối thiểu là 1 năm.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc gắn thiết bị giám sát hành trình xe tải nói chung, xe tải dưới 1 tấn nói riêng, hi vọng hữu ích với các chủ xe. Chúc quý bạn đọc luôn bình an trên mọi nẻo đường!

Xem thêm bài viết:






2 nhận xét:

  1. Mức phạt với hành vi k lắp định vị theo quy định dao động từ 2 đến 8 triệu đồng

    Trả lờiXóa
  2. rất mong admin có thể giải quyết giúp mình trường hợp này
    cty mình có 1 xe tải có tải trọng là 4,05 tấn mà Kho đang dùng để chở vật tư đi các tỉnh thành
    vậy xe tải của cty mình có phải thực hiện thủ tục gắn phù hiệu xe tải k ạ
    và nếu có thì thủ tục ntn?

    Trả lờiXóa