Home » , , , , » Quá tải cấp phù hiệu, hệ thống máy chủ giám sát hành trình tê liệt

Quá tải cấp phù hiệu, hệ thống máy chủ giám sát hành trình tê liệt

Written By Giám sát hành trình on Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018 | 20:57


Do lượng tài khoản truy cập vào hệ thống máy chủ giám sát hành trình của TCĐB VN tăng đột biến trong những ngày qua, máy chủ thường xuyên quá tải, có lúc ngừng hoạt động. 
Sáng nay, người dùng không thể truy cập vào trang web chính thức của TCĐB VN tại địa chỉ http://drvn.gov.vn/ do lỗi “Service Unavailable”. Chúng tôi cố gắng thử truy cập trong suốt đầu giờ sáng nhưng thao tác này vẫn không thể thành công. Tình trạng này thường xảy ra trong những ngày gần đây, nguyên nhân là do lượng hồ sơ xin cấp phù hiệu tăng đột biến. Các thủ tục đều phải thực hiện thông qua hệ thống máy chủ của TCĐB nên việc hệ thống trở nên quá tải cũng là điều dễ hiểu. 

Trang web của TCĐB VN quá tải do lượng hồ sơ xin cấp phù hiệu tăng đột biến, ảnh chụp sáng 2/7/2018.

Hàng dài hồ sơ xin cấp phù hiệu vận tải 
Theo NĐ 86, bắt đầu từ ngày 1/7/2018, taxi, xe đầu kéo rơ-moóc, ô tô kinh doanh vận tải từ dưới 3,5 tấn đến trên 10 tấn phải có giám sát hành trình, nếu không sẽ bị xử lý hành chính, không được cấp phù hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc các loại xe trên phải bổ sung thiết bị giám sát hành trình và đi kiểm định lại trước ngày 1/7. 
Ngày 2/7, ngày thứ 2 từ khi quy định bắt buộc gắn định vị và phù hiệu với xe kinh doanh vận tải dưới 3,5 tấn chính thức có hiệu lực, tại các trung tâm đăng kiểm cũng như các Sở GTVT, lượng xe và hồ sơ xếp hàng dài để chờ làm thủ tục vẫn tiếp tục gia tăng. Vẫn tâm lý nước đến chân mới nhảy nên dù NĐ86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực từ năm 2014 nhưng phải đến giữa năm 2018, chủ xe tải dưới 3,5 tấn mới “vắt chân lên cổ” để lo hoàn thiện thủ tục. 
Tại TP HCM, nơi có lượng phương tiện vận tải lớn nhất cả nước với 30.000 xe dưới 3,5 tấn kinh doanh vận tải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (thuộc Sở GTVT) những ngày này thường xuyên ùn ứ hồ sơ xin cấp phù hiệu. Trước đây, mỗi ngày đơn vị này giải quyết trung bình 200-250 hồ sơ liên quan đến vấn đề trên. Nhưng từ cuối tháng 6, số lượng này tăng lên tới 6 lần, nghĩa là trung bình đơn vị phải tiếp nhận 1.500 hồ sơ/ ngày. Con số tăng quá đột biến nên dù lượng nhân sự của đơn vị đã huy động đến mức tối đa vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. 
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: "Không chỉ riêng TP.HCM, tình trạng trên xảy ra hầu hết tại Sở GTVT các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên TP.HCM chiếm đến 1/4 lượng phương tiện vận tải trên cả nước, có đến 30.000 xe dưới 3,5 tấn kinh doanh vận tải nên quá tải nặng nề. Chưa kể việc cấp phù hiệu vận tải của tất cả các tỉnh, thành đều thực hiện thông qua hệ thống máy chủ của Tổng cục Đường bộ. Quá nhiều lượt truy cập cùng lúc khiến hệ thống đôi khi bị treo". 

Những loại xe tải nhỏ nào cần gắn phù hiệu và thiết bị giám sát hành trình?

Nghị định 86 quy định tất cả các xe dưới 3,5 tấn kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình và lắp phù hiệu trước ngày 1/7/2018. Trường hợp xe không thực hiện đúng quy định, tài xế có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu, đồng thời tước giấy phép lái xe 1 đến 3 tháng. Chủ xe cũng sẽ bị xử phạt lên tới 12 triệu đồng.

Các xe kinh doanh vận tải dưới 3,5 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình mới đủ điều kiện xin cấp phù hiệu.

Có 2 đối tượng xe kinh doanh vận tải phải thực hiện quy định về gắn phù hiệu, đó là xe kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Trong đó, khái niệm kinh doanh vận tải được quy định là: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”. Còn “Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó”. 
Rất nhiều các chủ xe tải nhỏ thực hiện các hoạt động vận chuyển hàng hóa, có phát sinh doanh thu, thu doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng không biết phương tiện đó thuộc nhóm kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Ngoài ra, vì các đơn vị này kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ nên gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh vận tải, một điều kiện bắt buộc để xin gắp phù hiệu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàn siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, hầu hết các xe tải dưới 3,5 tấn kinh doanh nhỏ lẻ đều không đủ điều kiện xin cấp phép kinh doanh vận tải. Để hoàn thiện thủ tục, các chủ xe này phải tham gia vào một doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên địa bàn. Do thủ tục khá rườm rà, lại thêm chi phí phát sinh, nên các chủ xe càng chần chừ trong việc xin cấp phù hiệu. Điều này càng dẫn tới tình trạng quá tải ở các Sở GTVT vào sát thời điểm xử phạt chính thức được áp dụng. 
Do đó, các chủ kinh doanh vận tải nên nắm rõ luật, chủ động hoàn thiện hồ sơ để việc cấp phù hiệu được tiến hành nhanh nhất. Các xe tải cần được lắp thiết bị giám sát hành trình hợp chuẩn và đăng kiểm lại sau khi gắn thiết bị thì mới được cấp phù hiệu.
Bài viết liên quan:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét